Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Hoàng Văn Cường phát biểu ý kiến. Ảnh: An Đăng - TTXVN

Nêu ý kiến thảo luận, đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) nhấn mạnh, việc xây dựng Luật Quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn là hết sức cần thiết để có một hệ thống quy hoạch đồng bộ, đảm bảo tính tích hợp, tính bao quát, tránh chồng chéo các quy hoạch với nhau, kết hợp hài hoà giữa phát triển đô thị với xây dựng nông thôn.

Song theo đại biểu Hoàng Văn Cường, các quy hoạch đô thị và nông thôn tuy đã có sàng lọc nhưng vẫn còn chồng chéo trong nội bộ hệ thống quy hoạch được điều chỉnh tại dự án Luật này cũng như các quy hoạch điều chỉnh tại Luật Quy hoạch. Đại biểu đưa ra dẫn chứng, theo dự thảo Luật này trên địa bàn tỉnh sẽ có quy hoạch chung thành phố thuộc tỉnh, quy hoạch chung thị xã, quy hoạch chung huyện với cùng tỉ lệ phủ kín toàn bộ không gian của một tỉnh.

“Nhưng sau đó lại có quy hoạch chung khu chức năng, phải chăng quy hoạch này sẽ trùng với các quy hoạch trên”, đại biểu Hà Nội thảo luận và đề nghị: “Hiện tại đang xảy ra trường hợp quy hoạch chung nhiều khi nhắc lại quy hoạch tỉnh. Dự Luật phải rà soát và làm rõ vấn đề này”.

Thảo luận tại phiên họp, đại biểu Nguyễn Duy Thanh (Cà Mau) góp ý kiến, dự thảo quy định khi lập điều chỉnh quy hoạch đô thị và nông thôn phải đảm bảo tính kế thừa các quy hoạch đã được phê duyệt, hạn chế tối đa ảnh hưởng đến các dự án đầu tư đang triển khai và nghiên cứu đề xuất các giải pháp phù hợp với khu vực dân cư hiện hữu hợp pháp đã ổn định.

Nên định nghĩa về dự án đầu tư đang triển khai và nghiên cứu có phải chỉ cần có chủ trương cho phép nghiên cứu là phải hạn chế tối đa ảnh hưởng; như thế nào là hạn chế tối đa ảnh hưởng? Nếu không cụ thể sẽ dẫn đến quy hoạch mang tính chất cộng dồn các dự án mà không có sự đồng bộ và định hướng phát triển kinh tế - xã hội, không gian kiến trúc, cảnh quan, dễ dẫn đến mất tính hiệu quả của công cụ quy hoạch trong quản lý nhà nước, dẫn đến vướng mắc giữa các chủ thể có liên quan, đại biểu Cà Mau đề nghị.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Phúc Trần Văn Tiến phát biểu ý kiến. Ảnh: An Đăng - TTXVN

Tại phiên thảo luận, đại biểu Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc) đề nghị Ban soạn thảo cần rà soát, giải thích rõ về “đô thị”, “đô thị mới”, “nông thôn”, cũng như các giải thích về “quy hoạch khu chức năng”, “quy hoạch đô thị”, “quy hoạch nông thôn”.

Đại biểu cũng cho rằng, dự thảo Luật quy định “quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn đối với huyện và xã” là chưa phù hợp, bởi theo quy định tại Khoản 3 Điều 3 không bao gồm huyện, xã được xác định trong quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh hoặc quy hoạch chung để định hướng phát triển thành đô thị mới, quận hoặc phường.

Do đó, cần bổ sung thêm: Quy hoạch cụm xã, Quy hoạch điểm dân cư nông thôn, đồng thời bổ sung thêm 1 khoản quy định: Nhà nước đảm bảo kinh phí cho hoạt động quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn; bổ sung thêm 1 nội dung về lấy ý kiến nhân dân về quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn, đại biểu Trần Văn Tiến đề xuất.

Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Nguyễn Phi Thường phát biểu ý kiến. Ảnh: An Đăng - TTXVN

Liên quan tới kinh phí để lập quy hoạch bao gồm cả rà soát, điều chỉnh và thủ tục lựa chọn tư vấn lập quy hoạch, đại biểu Nguyễn Phi Thường (Hà Nội) đề xuất nâng hạn mức chỉ định thầu đối với các gói thầu tư vấn liên quan đến công tác lập, điều chỉnh quy hoạch lên mức không quá 1 tỷ đồng nhằm đẩy nhanh công tác lập quy hoạch.

“Riêng đối với các gói thầu tư vấn sử dụng nguồn tài trợ không hoàn lại của các doanh nghiệp, tổ chức trong và ngoài nước được thực hiện chỉ định lựa chọn đơn vị tư vấn không phụ thuộc vào hạn mức”, đại biểu Nguyễn Phi Thường thảo luận.

Giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, đô thị và nông thôn là các không gian lãnh thổ không thể tách rời, được tổ chức xen kẽ, được quản lý theo các cấp chính quyền. “Dự thảo luật đã phân định rõ quy hoạch nông thôn với quy hoạch đô thị; quy định rõ các hoạt động trên địa bàn gắn kết phát triển đô thị và nông thôn, các đối tượng không gian lập quy hoạch cũng được xác định theo Điều 5 của dự thảo Luật”, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cho hay.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu. Ảnh: An Đăng - TTXVN

Liên quan đến vai trò, sự cần thiết lập quy hoạch chung thành phố trực thuộc Trung ương, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, nội dung quy hoạch thành phố trực thuộc Trung ương được quy định tại Luật Quy hoạch, đồng thời nêu một số điểm khác nhau giữa quy hoạch tỉnh và quy hoạch chung đô thị của thành phố trực thuộc trung ương. “Do đó, cần thiết có quy định về lập quy hoạch chung thành phố trực thuộc Trung ương. Việc lập quy hoạch chung này cũng đảm bảo tính kế thừa, không trùng lắp, đảm bảo thống nhất, đồng bộ trong quy định của pháp luật”, Bộ trưởng Xây dựng giải trình.

Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị, Luật Đất đai 2024 vừa được thông qua cũng đã bổ sung quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh có vai trò tương tự như quy hoạch chung thành phố trực thuộc Trung ương và để cụ thể hóa quy hoạch này... Theo đó, quy hoạch chung thành phố trực thuộc Trung ương vừa đóng vai trò là định hướng phát triển không gian; đồng thời đóng vai trò xác định chỉ tiêu sử dụng đất cấp tỉnh cho thành phố trực thuộc Trung ương…

Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, qua kinh nghiệm công tác, từ yêu cầu thực tiễn và lắng nghe ý kiến của cử tri, nhân dân, các đại biểu đã tham gia nhiều ý kiến xác đáng vào các điều, khoản cụ thể của dự thảo Luật Quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn.

Các đại biểu cũng tham gia ý kiến về nhiều nội dung cụ thể của các quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch đô thị và nông thôn, phạm vi, nội dung, mức độ cụ thể, nguồn lực, tổ chức quản lý các quy hoạch này, phạm vi ranh giới và địa giới hành chính khi lập quy hoạch, trường hợp và thẩm quyền điều chỉnh cục bộ quy hoạch, cơ chế kiểm tra, kiểm soát, giám sát việc duy trì song song với quy hoạch tỉnh và quy hoạch chung đô thị đối với các thành phố trực thuộc trung ương.

Sau Kỳ họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo cơ quan thẩm tra phối hợp chặt chẽ với cơ quan soạn thảo và các cơ quan liên quan, nghiên cứu các ý kiến phát biểu tại hội trường, tại tổ để tiếp thu hoàn thiện dự án Luật trình Quốc hội xem xét, quyết định tại Kỳ họp thứ 8.